Sinh ra kém “tròn trịa” hơn chúng bạn cùng trang lứa khi tạo hóa trót đặt nhầm chỗ, nhưng Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018 – ca sỹ Hương Giang Idol đã chẳng những không đầu hàng số phận mà còn cả gan “sửa chữa” sai lầm của tạo hóa.

Và đó thực sự là một hành trình mà nghị lực sống của Ngọc Hiếu (tên khai sinh của Hương Giang) phải gồng lên gấp nhiều lần người khác. Đâu chỉ đơn giản là vượt lên những mặc cảm, giày vò, sợ hãi và cả bàng hoàng của bản thân, rồi ánh mắt kỳ thị của cộng đồng, hay phải tự đấu tranh để xác định bản ngã… mà là những đau đớn tưởng chết để được “tái sinh”, được sống đúng là mình.

Cuộc “lột xác” đắt giá cả về vật chất lẫn sức khỏe ấy của Ngọc Hiếu đã cho ra đời một Hoa hậu Chuyển giới của ngày hôm nay tràn đầy tự tin, quyến rũ và trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ở Việt Nam.

Khi tạo hoá trót sai lầm

Quãng 10 năm đầu đời có lẽ là khoảng thời gian êm đềm nhất trong cuộc đời Hương Giang. Ngày đó, Nguyễn Ngọc Hiếu (tên khai sinh của Hương Giang) được sống trong vòng tay yêu chiều của mẹ cha. Với đấng sinh thành, cậu con trai duy nhất ấy là món quà tuyệt vời mà ông trời đã ban tặng họ, thỏa mãn nỗi khát khao “có nếp có tẻ” cho gia đình.

Và Hiếu cứ thế lớn lên, yên bình trong sự bao bọc ấy. Cho tới một ngày…

Hoa hậu Hương Giang: Chân dung người cả gan 'sửa sai' tạo hóa

Vẻ đẹp nữ tính của Hương Giang Idol. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khoảng cuối năm học lớp 7, cậu bỗng thấy trong mình rộn lên những rung động khó nói thành lời với… cậu bạn cùng lớp. Chính Hiếu cũng ngơ ngác rồi bàng hoàng trước cảm xúc quá lạ lùng ấy trong mình.

Thực ra, nỗi ngờ vực, âu lo, thậm chí sợ hãi về cái sự “hình như mình có điều gì đó khác thường” đã len lỏi trong tâm trí Hiếu từ trước, khi cậu thấy mình chỉ thích chơi búp bê, thích nuôi tóc dài, thích trang điểm giống mẹ, thích soi gương…

Tiếc là những cảm xúc ấy cậu không thể chia sẻ cùng ai. Vì Hiếu biết, mới thấy cậu chơi búp bê với lũ bạn gái cùng ngõ thôi mọi người đã ném ánh mắt đầy soi mói về phía cậu. Nếu giờ nói ra những cảm xúc trong lòng, liệu ai sẽ đồng cảm với Hiếu đây?

Với bạn bè, Hiếu cũng khó cất lời, cậu sợ bị chê cười, chỉ trỏ. Và thực tế hồi đó Hiếu đã bị lũ bạn cô lập, chỉ vì cậu chẳng bao giờ tham gia những trò nghịch dại của tụi nó.

Ngay cả với bố mẹ, Hiếu cũng khó mở lòng. Cậu hiểu cảm giác khó chịu của bố mẹ khi thấy con trai mình chỉ thích chơi trò con gái, mặc đồ con gái. Dẫu vậy, Hiếu tin những người thân yêu của mình, nhất là mẹ. Có thể thời điểm ấy bố mẹ cậu cũng đã lờ mờ nhận ra con trai hình như có điều gì đó khác thường, nhưng họ cố gạt cái “ý nghĩ điên rồ” ấy đi. Chỉ vì với họ, Hiếu là cậu con trai duy nhất, là niềm tự hào và kỳ vọng, không thể nào là một cô con gái.

Hiếu chỉ còn biết chôn chặt tất cả vào trong. Nghĩ tới những ánh mắt vừa kỳ thị vừa châm chọc của người đời hướng vào mình, Hiếu đã sợ run lên.

Cậu lạc lõng, cô độc và chẳng biết từ bao giờ đã đánh rơi mất nụ cười hồn nhiên, vô tư. Hiếu loay hoay khổ sở, vật vã đấu tranh với những cảm xúc dồn nén và rồi mọi thứ bùng cháy trong cơ thể của cậu trai 18 tuổi.

18 tuổi, Hiếu có mối tình đầu. Lần này, cậu yêu và được yêu. Nhưng niềm hạnh phúc ấy nào đã bình yên trong cậu. Hiếu cứ chộn rộn, dằn vặt trong bao nỗi băn khoăn: hai người con trai yêu nhau liệu có kết quả không? Liệu người yêu và cả cậu có đủ sức vượt qua những dị nghị và kỳ thị của người đời?…

Rốt cuộc, khi không thể tự giải tỏa được những nghi ngại ấy, không thể vượt qua chính mình, đôi trẻ đành nói lời chia tay.

Sau cuộc tình buồn với nhiều giày vò ấy, niềm khát khao được trở thành một cô gái thực sự trỗi dậy trong Hiếu, để rồi từ đây cậu bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về vấn đề chuyển giới.

Như muối mặn xát vào vết đau

Tạm biệt tình yêu tuổi hoa niên, Hiếu thi vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chuyên ngành Thanh nhạc, ôm giấc mộng ca sỹ. Hiếu cũng đâu biết đó mới là quãng thời gian đau đớn, tăm tối nhất đời mình.

Hồi ấy, Hiếu dù muốn cũng không thể tự ngăn niềm yêu thích để tóc dài, trang điểm… mặc cho quanh mình mọi người gièm pha, dè bỉu “cái giống đàn ông chẳng ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà”. Thầy cô giáo thì bực bội, ác cảm với cậu sinh viên bướng bỉnh, cứ quyết giữ mái tóc dài thượt bất chấp quy định của nhà trường.

Hoa hậu Hương Giang: Chân dung người cả gan 'sửa sai' tạo hóa

(Ảnh nhân vật cung cấp)

Chao ôi, cái tuổi đôi mươi, thanh xuân phơi phới, mọi biến đổi về tâm sinh lý giới tính càng rõ rệt. Làm sao cho được?…

“Hàng xóm sang nhà nói với bố mẹ tôi là sao con anh chị ăn mặc kỳ vậy. Họ gọi tôi là ‘pê-đê’, coi tôi như một thứ buồn cười của tạo hóa”, Hương Giang kể lại. Còn bà Đinh Thị Hiền, mẹ Hiếu, đã lặng đi trước những đàm tiếu của láng giềng. Từng lời nói cay nghiệt như dao cứa vào trái tim người mẹ.

Trước đó, biết con đi mua tóc giả, đồ trang điểm… giấu vào tủ quần áo, bao đêm bà đã khóc thầm và mong đó chỉ là sở thích quái gở nhất thời của con. Còn chồng bà, nỗi buồn lặn cả vào trong, chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Con trai ăn mặc phải gọn gàng, ngay ngắn, chứ đừng rườm rà, con nhé!”.

“Nhiều đêm tôi khóc hết nước mắt trước sự dè bỉu của mọi người. Pê-đê – hai tiếng ấy thốt ra tựa như muối mặn xát vào vết đau của những người trót mang thân phận như tôi. Nước mắt lúc nào cũng chỉ chực trào ra vì tủi nhục…

Pê-đê – hai tiếng ấy thốt ra tựa như muối mặn xát vào vết đau của những người trót mang thân phận như tôi.”

Bởi tôi và những người như tôi quá nhỏ bé để có tiếng nói, để phản kháng trong xã hội này. Nhất là khi tôi lại sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi mà mọi người còn nhìn nhận vấn đề đồng tính khá khắt khe”, Hương Giang trải lòng.

Mối tình thứ hai trong đời Hiếu đã tan vỡ chỉ vì cậu quyết định thổ lộ sự thật về mình với suy nghĩ ngây thơ rằng đối phương cũng sẽ chấp nhận con người thật của Hiếu như người bạn trai đầu tiên. Buồn thay, anh ta nói không thể chấp nhận được việc “bạn gái” cũng là con trai giống mình. Cả bầu trời như sụp đổ trong Hiếu.

Nén lại nỗi đau, Hiếu đến với cuộc thi Tìm kiếm Thần tượng âm nhạc – VietNam Idol 2010. Trong trường, có người nhắc khéo cậu: “Nếu có tham gia cuộc thi nào đó, đừng bao giờ nói là học sinh của trường”. Năm đó, thí sinh Ngọc Hiếu bị loại ngay từ vòng ngoài.

Cháy bỏng giấc mơ “tái sinh”

Tất cả những thất bại, những tan vỡ, những xúc phạm ấy càng khiến ước mơ được chuyển giới, để được sống với con người thật của mình, để được yêu, để bố mẹ vơi nỗi buồn, để bớt đi những ánh mắt soi mói… ngày càng trở nên cháy bỏng trong Nguyễn Ngọc Hiếu.

Nhưng giấc mơ này thật chẳng dễ dàng. Hiếu đối diện với vô vàn khó khăn và lực cản khi bước vào chặng đường tìm hiểu việc chuyển giới. Đầu tiên là tiền, phải có rất rất nhiều tiền mới được.

Những liều hormone, hay việc phải sang Thái Lan để làm đại phẫu… sẽ lấy đi của Hiếu số tiền khổng lồ. Mà sinh viên như Hiếu thì đào đâu ra. Về ngửa tay xin bố mẹ là điều không thể. Cách duy nhất cậu có thể làm lúc đó là chạy show. Những năm 2010-2011, Hiếu chạy show “điên loạn”.

Bố mẹ đã không ủng hộ khi tôi muốn chuyển giới. Họ mặc định là cái cây phải có màu xanh chứ không thể nào có màu hồng.”

Lực cản nữa đến từ chính bố mẹ cậu. Trong cuộc phỏng vấn với ngôi sao giải trí nổi tiếng của Thái Lan Diana Flipo trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới 2018, Hương Giang đã có chia sẻ vô cùng xúc động rằng: “Bố mẹ đã không ủng hộ khi tôi muốn chuyển giới. Họ mặc định là cái cây phải có màu xanh chứ không thể nào có màu hồng. Và đó là lý do họ không chấp nhận tôi chuyển giới. Tôi đã đến Thái Lan một mình để tìm lại chính bản thân, trở thành phụ nữ. Tôi tin tôi sẽ trở thành một cô gái xinh đẹp, là một người tốt”.

Bà Đinh Thị Hiền nhớ lại, năm 2011, trước khi đi làm phẫu thuật chuyển giới, Hiếu đã nói với mẹ sự thật. Bà Hiền vừa bàng hoàng vừa lo lắng đến mất ăn, mất ngủ cho tính mạng của con. Một mặt bà khuyên Hiếu từ bỏ ý định, mặt khác bà âm thầm đi làm lễ “trừ ma” cho con. Bởi người mẹ trong lúc hoang mang chẳng biết bấu víu vào đâu đã phải “vịn” lòng tin vào ông thầy bói, bà tin rằng làm lễ xong, Hiếu sẽ tự cắt tóc trở về làm con trai.

“Vậy mà trở về nhà, tôi rụng rời chân tay khi biết Hiếu đã bay sang Thái Lan để chuyển giới”, bà Hiền nói.

Song những lo lắng của gia đình, sự thiếu thốn về tiền bạc, không gì có thể cản bước Hiếu tiếp tục hiện thực hóa ước mơ cháy bỏng của mình.

“Sống lại” ở Thái Lan

Dù đã tìm hiểu kỹ mọi thông tin liên quan nhưng khi va vào thực tế, Hiếu mới nhận ra, hành trình chuyển giới chẳng những tốn kém, chịu nhiều kỳ thị mà còn vô cùng phức tạp và đau đớn.

Theo Hương Giang Idol, để khởi động quá trình phẫu thuật chuyển giới, bước đầu tiên là phải dành hai năm để tiêm hormone nữ và ổn định tâm lý. Lượng hormone này nhằm loại bỏ “dấu vết nam giới” và là bước đệm tạo những thích nghi cần thiết cho cơ thể trước khi sang giai đoạn chuyển đổi hoàn toàn.

Việc điều trị tâm lý cũng vô cùng quan trọng, bởi bỗng dưng một người trở thành con người khác, họ không chỉ phải trải qua nỗi đau thể xác mà sau những cuộc đại phẫu với phòng mổ, thuốc gây mê và dao kéo, tâm sinh lý của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, nếu không chuẩn bị tốt, hậu quả thật khôn lường.

Hoa hậu Hương Giang: Chân dung người cả gan 'sửa sai' tạo hóa

Phút đăng quang của Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018 Hương Giang Idol. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chưa kể chuyển từ nam sang nữ như Hương Giang, ngoài việc phải phẫu thuật chỉnh hình nhằm giảm bớt nét nam tính như cắt mí mắt, nâng mũi, gọt góc hàm, nâng ngực, nâng mông, thì phức tạp nhất là quá trình thay đổi bộ phận sinh dục. Đụng dao kéo chỗ nào là đau đớn chỗ ấy. Mà chừng đó “thủ tục” vẫn chưa hết, sau quá trình phẫu thuật, người chuyển giới còn phải được chăm sóc theo chế độ đặc biệt cùng lịch tiêm hormone sinh dục liên tục để tạo cân bằng sinh lý cũng như chống lão hóa sớm, chống loãng xương…

Kể về hành trình “tìm lại chính mình” của bản thân, Hương Giang cho biết, cô bước vào ca phẫu thuật lớn của đời mình với tâm trạng hoang mang tột độ. Bởi vừa đến Thái Lan chừng vài tiếng đồng hồ, cô đã được bác sỹ đề nghị: “Đồng ý thì 3 tiếng nữa mổ, không thì chờ đến tháng sau”.

“Chờ đến tháng sau” là điều không thể, bởi số tiền Hiếu góp nhặt chỉ đủ để phẫu thuật và ở lại chừng 15 ngày. Vì thế làm gì còn lựa chọn nào khác hơn là nhắm mắt, liều mình leo lên bàn mổ.

Tôi thà chết trong hình hài người phụ nữ còn hơn sống cả đời đau khổ với thân thể đàn ông.”

“Cảm giác sợ hãi càng tăng khi bác sỹ bảo tôi nằm lên bàn mổ. Khi tôi mặc bộ đồ bệnh nhân vào và họ đo xem sẽ làm ngực cho tôi cỡ bao nhiêu thì tôi thấy hoảng, chỉ muốn đi về. Tôi nhớ lại gương mặt xanh xao và đau đớn của những người phẫu thuật trước và nghĩ rằng chỉ vài tiếng nữa mình cũng như vậy. Tôi bắt đầu nhụt chí, nhưng không thể làm gì khác vì đã bị y tá trói tay, trói chân lại. Và rồi thuốc mê làm tôi không còn biết gì hết trước khi tự nhủ với mình rằng: đừng gục ngã ở Thái Lan”, Hương Giang chia sẻ. “Tôi thà chết trong hình hài người phụ nữ còn hơn là sống cả đời đau khổ với thân thể đàn ông”.

Và thế là sau ca mổ, Hiếu đã không còn là Hiếu nữa mà lột xác thành Hương Giang. Cô sụt tới 13kg do chỉ được ăn cháo loãng, uống thuốc giảm đau và những đêm mất ngủ. Nhớ lại thời điểm đó, cô nghẹn ngào: “Tôi chỉ được nằm viện đến khi hết tiền. Mà hồi ấy tiền mang theo rất ít, nên chỉ ít ngày sau tôi đã phải lảo đảo ra về. Mỗi bước đi cứ như xương sườn xuyên vào ngực”.

Hoa hậu Hương Giang: Chân dung người cả gan 'sửa sai' tạo hóa

Và thế là sau ca mổ, Hiếu đã không còn là Hiếu nữa mà lột xác thành Hương Giang. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lúc đó giá như có ai ở bên. Nhưng không, Hương Giang đã phải gánh tất cả một mình, hoàn toàn cô độc và bơ vơ (vì cô đi mà giấu gia đình).

Cô cho biết: “Có những lúc tôi muốn tự tử dù không vì lý do gì cả. Ròng rã cả tháng trời tôi không ngủ được và chỉ có thể nằm thẳng, gác chân. Tôi muốn ra ngoài để tận hưởng cơ thể mới nhưng không thể đi lại. Và tôi bị trầm cảm…”.

Thế nhưng về tới nhà không có nghĩa là hành trình “từ kén sâu thành bướm” của Hương Giang đã kết thúc. Cô chỉ dám gặp mẹ, bởi “Không gì có thể giấu được đôi mắt của người mẹ cả. Mẹ đã thốt lên: ‘Sao con làm ngực to thế’ khi nhìn thấy tôi. Tuy nhiên, đối mặt với mẹ còn dễ dàng hơn đối diện với bố, nên thời gian đầu, tôi không tìm ra cách nào khả dĩ hơn ngoài việc… tránh mặt bố”.

Và đó thực sự là quãng thời gian nhiều xáo trộn và khủng khiếp nhất trong cuộc đời Hương Giang. Bố mẹ Hương Giang về sau có thừa nhận rằng, họ cảm thấy ân hận và day dứt khi đã không có mặt bên con gái mình trong những ngày đau đớn, vất vả trên đất Thái Lan.

Đằng sau chiếc vương miện

Quả thực, trời đã không phụ lòng người. Sau bao năm tháng sống trong vỏ ốc mặc cảm, tủi hổ, phải chịu nhiều đau đớn thể xác để được là một người phụ nữ đích thực, sau bao đêm gối đẫm nước mắt, thành công cũng mỉm cười với Hương Giang.

Cô đã tỏa sáng tại cuộc thi Vietnam Idol 2012 để chung cuộc ghi dấu ấn ở vị trí top 4. Tuy giọng hát không quá xuất sắc hay khác lạ nhưng những sản phẩm âm nhạc sau này của Hương Giang Idol luôn gây ấn tượng nhờ được đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng.

Hoa hậu Hương Giang: Chân dung người cả gan 'sửa sai' tạo hóa

(Ảnh nhân vật cung cấp). Đồ họa: Thanh Trà

Cô cũng dần gạt bỏ được những kỳ thị về việc ca sỹ chuyển giới đi hát và khẳng định mình là một tên tuổi riêng của showbiz Việt với vẻ ngoài xinh đẹp, duyên dáng.

Với Hương Giang Idol, những ngày buồn cũ không khiến cô có thái độ sống tiêu cực, mà ngược lại, nhờ đó cô trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Việc chấp nhận lời mời tham dự cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018 tổ chức ở Thái Lan hồi tháng Ba vừa qua là một minh chứng.

Chưa từng có kinh nghiệm ở bất kỳ cuộc thi nhan sắc nào, chưa cả rành catwalk, bản thân cũng coi cuộc thi này là “việc làm đầy mạo hiểm”… nhưng Hương Giang vẫn tham gia một cách “tử tế hết mức có thể” bằng cách cùng ê-kíp chuẩn bị kỹ lưỡng tới 55kg váy vóc xúng xính.

Cũng nào mấy ai biết, những ngày trên đất Thái ấy là những ngày Hương Giang nhịn đói, uống nước cầm hơi nhằm giữ thân hình đẹp để lên sân khấu. Và rồi đêm ngày 9/3, Hương Giang đăng quang. Kết quả này là tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của Hương Giang Idol.

Có thể nói, chưa một nhan sắc Việt nào sau đăng quang lại nhận được nhiều quan tâm và lời chúc phúc như trường hợp Hương Giang. Phải chăng bởi công chúng và truyền thông cùng thấy những điều ý nghĩa lớn hơn đằng sau chiếc vương miện, là nguồn cảm hứng dành cho cộng đồng LBGT (đồng tính, song tính và chuyển giới), cho những khát khao đang ấp ủ được sống là chính mình, được mọi người công nhận và nhìn nhận công bằng với chính bản thể, cho cộng đồng LBGT niềm tin rằng mọi ước mơ đều có thể thành hiện thực, họ hoàn toàn có thể tách vỏ kén chui ra, sống đúng với “màu” của mình nếu thực sự nỗ lực…

Hương Giang vẫn đang tiếp tục nỗ lực thổi ngọn lửa niềm tin đến cộng đồng LBGT và những người dị tính, rằng: không bao giờ sống thật với bản thân lại là sai lầm.

Con đường để cộng đồng LBGT được xã hội ghi nhận vẫn là một con đường dài, và chiếc vương miện của Hương Giang Idol không phải phép màu qua một đêm có thể giúp thay đổi định kiến của nhiều người. Bản thân hoa hậu Hương Giang cũng nhận thức rõ điều đó.

Bởi thế, ngay sau đêm đăng quang, khi niềm vui vẫn lấp lánh trên gương mặt khả ái, Hương Giang đã chia sẻ rằng cô còn rất nhiều việc phải làm cho cộng đồng LBGT Việt Nam, mà trước mắt là dự án xúc tiến việc thay đổi giới tính trên giấy tờ cho người chuyển giới.

Và Hương Giang vẫn đang tiếp tục nỗ lực thổi ngọn lửa niềm tin đến cộng đồng LBGT và những người dị tính, rằng: không bao giờ sống thật với bản thân lại là sai lầm.

Hoa hậu Hương Giang: Chân dung người cả gan 'sửa sai' tạo hóa

Con đường để cộng đồng LBGT được xã hội ghi nhận vẫn là một con đường dài…

Tố Linh (VietnamPlus)