Dù góp mặt trong nhiều chương trình với vai trò biên đạo, Vĩnh Khương vẫn chuyên tâm theo đuổi việc học tiếp cao học. Với anh, giảng đường là nơi để anh được truyền đạt kinh nghiệm mà bấy lâu nay anh tích luỹ đến các bạn trẻ yêu nghề.

Dù hoạt động với nhiều vai trò, nhiều chương trình lớn nhỏ nhưng đến hiện tại, Vĩnh Khương vẫn không theo vũ đoàn nào mà thường cộng tác với nhiều vũ đoàn, nhóm nhảy khác như ABC, The Sun, Mai Trắng và Mặt Trời Việt. Trước câu hỏi vì sao không thành lập vũ đoàn, anh cho biết anh muốn đầu tư vào kiến thức và trau dồi thêm kinh nghiệm để sau này có thể hoạt động ở môi trường sư phạm.

Vĩnh Khương: 'Tôi chưa từng bị coi thường khi là một biên đạo múa minh họa'

Điều anh tâm huyết từ bấy lâu nay là có thể truyền đạt những kinh nghiệm mà anh đã tích lũy được đến với các bạn trẻ yêu mến con đường nghệ thuật và theo đuổi đam niềm đam mê của chính mình.

Vừa học cao học, vừa biên đạo múa cho các chương trình, vừa làm công tác giảng dạy, Vĩnh Khương thường đối mặt với nhiều áp lực công việc. Do đó, anh cũng phân bố thời gian hợp lí để dễ dàng hơn trong công việc lẫn cuộc sống hằng ngày của mình. Dù vậy, thỉnh thoảng anh cũng phải hy sinh một buổi học để hoàn thành công việc. Một ngày cơ bản của nam biên đạo bắt đầu bằng việc đi học buổi sáng, tranh thủ giờ nghỉ trưa để dựng múa cho các vũ đoàn và buổi chiều quay lại học tiếp.

Với những ngày có show diễn hoặc đi dạy thêm, anh lại tất bật cả buổi tối, có khi đến khuya vẫn chưa hết việc. Có thời gian vì tập luyện với cường độ cao và thị phạm cho các bạn sinh viên nhiều nên có lúc anh bị đau lưng cấp và viêm khớp gối trầm trọng. Đây là vấn đề thường xuyên xảy ra như cơm bữa ở các bạn diễn viên múa. Thế nhưng, vì đam mê và ý chí nên đã phấn đấu để Tổ thương Tổ đãi và rồi mọi thứ đều vượt qua.

Vĩnh Khương: 'Tôi chưa từng bị coi thường khi là một biên đạo múa minh họa'

Công việc vất vả là vậy nhưng anh luôn tâm niệm lao động nghệ thuật khác hẳn với những ngành nghề khác. Anh chia sẻ: “Đầu tiên, người diễn viên phải có sức khỏe tốt, mỗi ngày phải tập luyện có khi từ 8-10 giờ. Sau giờ tập luyện chính là thời gian các bạn diễn viên múa đến các sân khấu để biểu diễn và kiếm tiền trang trải cuộc sống. Xuất thân từ một diễn viên múa và trở thành một biên đạo nên tôi rất hiểu và đồng cảm. Có khi các bạn phải vừa tập luyện vừa ăn bánh mì thật nhanh để làm việc. Dù vậy người ta thường hay nói “nghề chọn người”  chứ không phải “người chọn nghề”, riêng ngành nghệ thuật nếu được Tổ nghiệp sân khấu chọn cũng là một cơ duyên may mắn mà không phải ai cũng có được”.

Vĩnh Khương: 'Tôi chưa từng bị coi thường khi là một biên đạo múa minh họa'

Khoảng 5 năm trở lại đây, vai trò của vũ công, biên đạo mới được biết đến nhiều và coi trọng. Trước đó, người ta thường nghĩ đến nhảy/múa, vũ công chỉ là những người phụ hoạ trên sân khấu. Trước vấn đề này, biên đạo múa Vĩnh Khương cho biết anh chưa từng bị coi thường là một biên đạo dựng múa minh họa.

“Có lẽ nhiều người chưa hiểu và phân biệt giữa múa minh họa và một tác phẩm múa độc lập. Múa minh họa là phụ họa cho nội dung bài hát và có ca sĩ, múa một tác phẩm độc lập là truyền tải một thông điệp, một câu chuyện hay một vấn đề gì đó và không có sự xuất hiện của ca sĩ. Nhìn chung, một bài múa dù độc lập hay minh họa mà có phần dàn dựng công phu và chuyên nghiệp thì sẽ đều được người xem đón nhận một cách tích cực”, biên đạo múa Vĩnh Khương bộc bạch.

Vĩnh Khương: 'Tôi chưa từng bị coi thường khi là một biên đạo múa minh họa'

Nhiều người nói về nghề múa như một công việc bèo bọt, bấp bênh, lương không đủ sống, anh thừa nhận điều này. Năm 2003, lúc mới bắt đầu đi múa, anh chỉ nhận được đồng lương ít ỏi là  35 nghìn cho một bài múa, một đêm được 2 bài tại sân khấu 126 và sân khấu Trống đồng. Một tháng để dành được khoảng 650 nghìn đến 700 nghìn là cao. Bấy nhiêu đó chỉ đủ để đổ xăng mua sắm ít đồ cho cá nhân. Thời gian đó có khi thiếu tiền về phải xin tiền mẹ để chi tiêu. Tuy nhiên, Vĩnh Khương cho biết anh không muốn cứ nhắc đến nghề múa thì phải than thở, kể lể chuyện khó khăn. Với anh, nghề nào cũng có sự vất vả, khó khăn riêng và nghề múa cũng vậy. Ai khi mới chập chững vào nghề cũng phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất để đi lên, đó mới là điều đáng quý.

Vĩnh Khương: 'Tôi chưa từng bị coi thường khi là một biên đạo múa minh họa'

Chia sẻ về dự định sắp tới, Vĩnh Khương cho biết anh vẫn sẽ tham gia với vai trò biên đạo ở một số chương trình nhưng trước mắt, anh ưu tiên cho việc hoàn thành lớp cao học mà anh hiện đang tâm huyết.

Nói về bí quyết trở thành một biên đạo múa được mọi người yêu thương và tin tưởng, anh cho biết việc đầu tiên là phải tập luyện siêng năng. Ngoài ra còn phải luôn học hỏi những bậc tiền bối và những người anh đi trước cũng như các bạn đồng nghiệp để phát triển kĩ năng của bản thân. Điều quan trọng là phải có hoài bão và niềm tin với nghề, không ngại khó.

Bo Ra

Photo: Trung Trần

Makeup: Ku Tí

Stylist: Kim Thành