Nói thẳng ra là Pool tui cảm thấy bom tấn “Avengers: Infinity War” vừa ra mắt khá nhàm chán.
Trong những ngày này, điệp khúc “xứng đáng với 10 năm phát triển” hay “cảm xúc dâng trào” là những cụm từ mà đi đâu cũng có thể nghe thấy khi nói về Avengers: Infinity War. Trên thực tế thì phim làm tốt ở một số chi tiết nhưng lại tệ hại ở nhiều mặt khác. Trước khi ném đá thì hãy kiểm tra số điểm trên trang Rotten Tomatoes và Metacritics để thấy rằng tui không phải người duy nhất cho rằng tác phẩm này vẫn kém xa nhiều phim siêu anh hùng khác.
Đây thường là đoạn văn tóm tắt nội dung của phim nhưng tui sẽ chỉ nói ngắn gọn thôi để tránh mang tiếng là Spoiler. Avengers: Infinity War xoay quanh việc ông bạn Cable, à nhầm, Thanos (Josh Brolin) của tui đi thu thập mấy Viên đá Vô cực để xóa sổ một nửa dân số vũ trụ chỉ bằng một cái búng tay. Mấy siêu anh hùng nhà Marvel còn giữ bản quyền, dĩ nhiên không có Pool tui rồi, quyết định kết hợp cùng nhau để chống lại gã ác nhân này. Cuộc chiến Vô cực với quy mô hoành tráng nhất diễn ra từ đó. Nghe có vẻ đơn giản đấy nhưng phim dài tới tận hơn 2 tiếng lận và tin tui đi, bạn sẽ chẳng dám đi vệ sinh suốt khoảng thời gian ấy đâu.
Nội dung chắp vá, thiếu điểm nhấn
Nói cho dễ hiểu, Avengers: Infinity War như một chiếc Iphone X mới ra lò. Người ta chỉ mãi để ý tới vẻ ngoài phô trương, sự sang trọng, đắt tiền cũng như tính kỷ niệm của nó mà quên mất những điểm yếu cố hữu. Và đây cũng chỉ là một công cụ để câu kéo hầu bao của khán giả tới những sản phẩm sau để “hồi sinh” những gì nó “khai tử”.
Nói cho dễ hiểu, bom tấn của nhà Marvel chỉ là một bộ phim mang yếu tố “xem cho vui” khi hàng loạt siêu anh hùng chết đi đều sẽ được hồi sinh và sự kiện được xem như chưa hề xảy ra (Nếu giờ này bạn chưa biết Avengers 4 là phần nối tiếp và xoay quanh việc du hành thời gian để hồi sinh các thành viên Avengers thì lỗi do bạn không chịu đọc báo mà thôi!).
Thay vì mang tới một trận chiến hoành tráng như những gì trailer quảng bá, tác phẩm lại là một câu chuyện chắp vá dài lê thê suốt hơn 2 tiếng đồng hồ. Anh em nhà Russo quyết định chia nhỏ dàn siêu anh hùng ra thành nhiều nhóm nhỏ khiến cốt truyện trở nên rời rạc và phá nát toàn bộ những sản phẩm trước đó.
Vì sao ư? Chẳng phải chỉ mới năm ngoái, Marvel dành 130 phút và 180 triệu USD cho Thor: Ragnarok để Thần Sấm (Chris Hemsworth) có thể điều khiển sức mạnh mà không cần búa sao? Odin (Anthony Hopkins) còn hỏi một câu châm chọc rằng:”Con là Thor thần Búa hay Thor thần Sấm?” kia mà? Thế rồi Thor dành hơn một nửa thời lượng trong Avengers: Infinity War chỉ để đi tìm chiếc búa mới và chẳng hề dùng sét lấy một lần. Và cậu Groot (Vin Diesel) ôm chiếc điện thoại một cách nhàm chán suốt phim chỉ để làm chiếc cán búa cho khán giả reo hò mà quên mất rằng tuyến truyện (hay thậm chí là nhân vật này) có hay không cũng chẳng vấn đề gì cả.
Còn tiếp, Black Panther hồi đầu năm nay đã làm mưa làm gió suốt hơn 2 tiếng chỉ để giới thiệu về sự giàu mạnh của Wakanda. Bạn còn nhớ câu thoại cực chất của T’Challa:”Di tản thành phố, Sử dụng mọi biện pháp phòng thủ và lấy cho người này chiếc khiên”. “Mọi biện pháp phòng thủ” của Wakanda chỉ là một nhóm lính cầm giáo?
Nực cười thay quốc gia có khoa học kỹ thuật mạnh và hiện đại nhất hành tinh dùng một nhóm lính “quèn” để đối đầu với ngày tận thế. Đàn tê giác, phi cơ đâu rồi? Hai thứ duy nhất biết bay trên bầu trời Wakanda khi đó là Falcon (Anthony Mackie) và War Machine (Don Cheadle). Có cảm giác nếu Thanos tấn công vào Mỹ thì đã bị đè bẹp bởi xe tăng từ lâu rồi.
10 chờ đợi và chuẩn bị, thứ mà khán giả nhận được là những tràng cười lấn át cả nổi dung chính. Đúng là bạn sẽ có những lần phải hú hét và vỗ tay trong rạp nhưng thừa nhận đi, phải chăng hầu hết thời lượng phim là những màn “khẩu chiến” quen thuộc đậm chất MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel)? Phim đã dài, hành động, hài hước, cảm xúc còn chen lấn nhau khiến các nhân vật bắn thoại như liên thanh và liên tục pha trò. Nhưng những màn hài hước ở đây đều mang màu sắc gượng ép chứ chẳng còn duyên dáng và thông minh như trong Thor: Ragnarok hay Guardians of the Galaxy (2014) nữa.
Hành động hời hợt, nhân vật biến chất
Như đã nói trên, việc chia nhỏ nhóm siêu anh hùng khiến nội dung phim trở nên rời rác và chắp vá. Nhưng tại sao phải làm thế? Lý do là bởi Marvel muốn từng nhân vật được phô trương sức mạnh một cách hời hợt. Những cảnh hành động trong phim có thể khiến bạn ngất ngây bởi độ chất, đẹp mắt hay sự nhuần nhuyễn, mượt mà trong việc phối hợp giữa các siêu anh hùng. Song, chúng thực chất lại đầy sự phi lý.
Những Viên đá Vô cực, tạo vật mạnh nhất vũ trụ với mỗi viên dễ dàng thổi bay cả thực tại hay sự sống trên cả một hành tinh. Nhưng Thanos, dù có bao nhiêu viên đi nữa, vẫn chỉ dùng một đến hai chiêu và bị một nhóm người thường “hành” ra bã. Tại sao hắn không thay đổi thực tại biến mất bộ giáp của Iron Man (Robert Downey Jr.) hay Spider-Man(Tom Holland) như từng làm trước đó mà lại phải đánh bằng… tay không?
Bạn thực sự nghĩ những pha phối hợp đậm tính phô diễn đó đủ sức đánh gục một kẻ sở hữu tới hai hay ba Viên đá Vô cực? Những pha ra đòn của Iron Man, Thor hay Captain America (Chris Evans) đủ sức làm khó Thanos? À vâng, ngay cả màn “thi nhảy” huyền thoại cũng diệt trùm với The Orb được kia mà! Thế thì tui còn biết trong mông gì hơn nữa đây? Tất cả chỉ để phục vụ fan và khiến họ hưng phấn để đánh lạc hướng khỏi sự sai lệch về cốt truyện và sức mạnh mà thôi. Và bạn thử tự nhẫm lại xem có tổng cộng bao nhiêu cảnh hành động trong phim nào? Rồi nhìn xem chúng lấp đầy 10 đầu ngón tay so với một bom tấn “tỷ đô” chưa nhé!
Một kẻ thông minh như Loki (Tom Hiddleston) lại chọn đánh lén Thanos khi hắn đứng giữa quân đoàn và đeo trên tay hai Viên đá Vô cực? Giết chết một phản diện tốt như Loki thì nên đầu tư chất xám một tí. Hắn sẽ chẳng bao giờ để bản thân hy sinh vô ích và thiếu kế hoạch như thế. Hai trong số tám bộ óc thông minh nhất truyện tranh Marvel lại đưa ra quyết định “thiếu muối” nhất trong phim.
Ai chả biết tập hợp nhau lại và để hai Viên đá Vô cực của Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) và Vision (Paul Bettany) lại một chỗ thì cơ hội thắng sẽ cao hơn. Ấy vậy mà một gã Sherlock Holmes phiên bản điện ảnh cho rằng nên tách ra như phim kinh dị Mỹ sẽ dễ hành động hơn. Ngạc nhiên thay, tên Sherlock Holmes phiên bản truyền hình Anh cũng tán thành. Hai anh mãi lo “tán tỉnh” nhau để hủ nữ phát cuồng rồi “chèo thuyền” mặc cho thế giới bị tàn phá trước màn “nghịch dại” của mình.
Tui cũng chẳng muốn bàn tới màn “phá game” của Star-Lord (Chris Pratt) vì vốn dĩ nó chỉ là cách sửa sai “lười biếng” cho pha hành động sai lệch trước đó. Cái kết phim chỉ nhằm mục đích tri ân là chính vì số nhân vật còn sống chẳng thể nào trùng hợp đến thế. Chiếc Găng tay Vô cực với sức mạnh bá đạo nhưng chỉ có duy nhất một khả năng xóa sổ nửa dân số vũ trụ rồi tự động hư hỏng một cách khó hiểu? Cầm đi tàn sát từ từ còn nhanh hơn kia mà? Gã Titan thắng chỉ nhở các siêu anh hùng tự hại lẫn nhau trong khi được quảng bá là mạnh như một vị thần?
Chẳng phải Pool tôi quá khó tính nhưng Avengers: Infinity War quá đỗi thất vọng so với những gì mà Marvel quảng bá trước đó.
(Theo Trí Thức Trẻ)