Từng gắn bó với hai người đàn ông, có tới ba đứa con nhưng chưa một lần khoác lên mình chiếc áo cưới, cũng không cảm nhận được tình yêu là gì cho tới trước thời điểm này, Vậy mà khi bắt đầu bài phỏng vấn, Thu Hoài dặn tôi đừng viết về chị như một tấn bi kịch, thay vào đó, hãy nhìn vào sự mạnh mẽ của một người phụ nữ luôn biết cách vượt qua sự sắp đặt của số phận.
Quá khứ đã rạch vào tôi những vết rất đau
21 tuổi, âm thầm dọn về nhà người ta không kèn không trống, đó là vì điều kiện gia đình không cho phép, vì tình yêu quá lớn khiến chị chấp nhận chịu thiệt hay do thiếu thốn tình cảm từ bé sau cuộc ly hôn của ba mẹ đã khiến chị vội vã tìm một bờ vai để nương tựa?
Một thân một mình ra nước ngoài (Đài Loan – PV) sống và làm việc, tự nhiên có người lo lắng cho thì tôi cứ thuận theo vậy chứ chẳng hề tìm hiểu hay yêu đương gì. Đối với tôi, đó cũng chẳng phải là tình yêu đúng nghĩa nên tôi không hề mơ mộng làm cô dâu.
Tôi đến với anh ấy không phải vì tiền. Nhà anh nghèo, cả gia đình phải đi thuê nhà ở. Đó là một nơi rất tệ nhưng tôi đã chấp nhận quen người ta rồi thì phải chịu. Lúc đó tuổi còn trẻ nên tôi cứ sống hồn nhiên: ngày đi làm, tối về nhà làm tròn bổn phận, có thai thì sinh con. Cho đến một ngày, tôi trưởng thành hơn và nhận ra có gì đó không hợp với mình ở đây.
Chị đang nói về văn hóa hay cách sống?
Cả hai. Sống chung với gia đình anh, tôi không những không cảm nhận được tình thương mà còn bị xem thường. Tôi không thích những bữa cơm hỗn độn, sự xâm phạm quyền riêng tư trong cách cư xử của họ, nhưng thật buồn, chuyện đó cứ lặp đi lặp lại. Khi biết tôi có ý định chia tay, anh ấy đã giấu hết giấy tờ tùy thân của tôi và làm cho tôi có thai. Vậy mà sau này, anh lại là người muốn bỏ.
Công khai đi lại với nhân viên trong nhà hàng của tôi, anh khiến người nhà cô ta tới đánh ghen um sùm. Ở bên đó (Đài Loan), chồng làm sai, người ta sẽ đổ hết lên đầu vợ. Khổ nhục là vậy nhưng trò đời lúc ghen thì lại không muốn buông tay, mà tôi càng nắm thì càng khổ. Hàng đêm gần gũi với chồng tôi, cô ta lại gọi điện thoại để cho tôi nghe tiếng. Tình trạng đó kéo dài khiến tôi suy sụp, chỉ còn 35kg.
Khi không chịu nổi nữa nhưng muốn giữ con ở với mình, tôi lại phải đi tìm bằng chứng ngoại tình của chồng. Tôi mất 3 năm ròng rã, tốn rất nhiều tiền thưa kiện nhưng mãi chẳng xong.
Tới khi nào cơn ác mộng ấy mới chính thức kết thúc với chị?
Tôi về Việt Nam chơi, ai gặp cũng nói: “Nhìn mày không ai nghĩ Việt kiều về nước”, lúc đó tôi mới sực tỉnh. Thứ tương lai tôi đang tìm kiếm ở xứ người ngày càng mờ mịt, còn những gì đang cố gắng lại khiến tôi cảm thấy nặng nề. Và tôi ôm con về Việt Nam luôn. Một năm sau, tòa án mới phán quyết người ta sai và tôi được bồi thường 1.000USD. Hiện tại, gia đình người đó vẫn sống tốt nhờ việc kinh doanh nhà hàng họ đã lấy của tôi lúc trước.
Cảm giác bị bắt nạt ở nơi xứ người trong khi chỉ có một thân một mình ắt hẳn rất tệ…
Nó khiến cho con người ta trở nên thô tục, hung dữ, giống như một con thú bị thương. Tôi không biết chia sẻ cùng ai, nhìn đâu cũng thấy toàn người xấu. Thật sự quá khứ đã rạch vào tôi những vết rất đau. Có những chuyện tôi tha thứ được nhưng không thể quên.
Không chỉ đánh tôi, anh còn gọi cho bạn bè tôi, dặn họ đừng chơi với tôi. Biết tôi hay sang cửa hàng bạn để tâm sự, anh qua đó phá. Vài lần như vậy, người ta sợ phiền, tôi cũng thấy mình làm phiền người khác nên không dám chơi với ai nữa. Cứ thế, tôi bị cô lập và khống chế.
Chuyện nhà tôi hàng xóm xung quanh đều biết. Ai cũng hỏi sao tôi không bỏ đi nhưng tôi có cơ sở gì để bỏ. Anh và tôi ở với nhau không có giấy tờ ràng buộc. Hôm nay đánh tôi xong, mai anh bay về Đài Loan chơi cả tháng. Khi anh quay về thì chuyện cũng qua rồi, tôi lại nhún nhường để được êm ấm.
Chị nhún nhường như vậy đến bao giờ?
Tới một ngày, các con nói với tôi: “Nếu mẹ thấy không hạnh phúc thì bỏ đi, con thấy mẹ khổ quá”, tôi mới nhận ra mình phải tự cứu lấy mình. Và tôi mất 5 năm để chuẩn bị cho cuộc chia tay đó. Đến khi đầy đủ về kinh tế và các mối quan hệ, tôi có đưa ra cảnh báo nhưng anh không tin. Sau lần cuối cùng đánh tôi, anh không vào được nhà nữa. Nhưng mỗi tháng tôi phải gửi cho anh 100 triệu đồng để đổi lấy bình yên. Số tiền đó tôi rất cực khổ mới làm ra nhưng nó không phải là máu để không dứt ra được.
Vậy mà sau tất cả những chuyện đó, chị nói với người cũ rằng vẫn có thể là bạn. Điều này tin được không?
Dù khi nghĩ lại, quá khứ vẫn khiến tôi rớt nước mắt nhưng tôi cố gắng bình thường mối quan hệ để con cái không cảm thấy tủi thân.
Ắt hẳn chị đã rất lo lắng khi nhìn thấy tác động của hai lần tan vỡ lên những đứa trẻ của mình?
Các con tôi rất tội nghiệp, vì sống thiếu thốn tình cảm nên chúng rất khó mở lòng. Từ khi chia tay đến giờ, tôi dành thời gian cho con nhiều hơn để bù đắp lại khoảng tinh thần bị hụt hẫng của chúng. Tôi muốn các con thấy rằng dù cuộc sống có thiếu thốn ông bà hay người cha thì vẫn có thể vui vẻ.
Tôi mất 100 triệu mỗi tháng để đổi lấy sự bình yên
Nỗi đau đó vẫn không đủ khiến chị thận trọng hơn ở lần thứ hai sao?
Trong ba năm chạy đi chạy lại giải quyết mối quan hệ với người cũ, tôi quen một người đàn ông Đài Loan khác. Anh là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc chuẩn bị các giấy tờ thủ tục. Tìm hiểu về gia đình anh, tôi được biết ba anh là nhân viên ngân hàng, mẹ anh làm y tá và anh trai thì làm bên quân đội. Tôi nghĩ gia đình họ có văn hóa thì mọi thứ sẽ tốt.
Quả thật, 2-3 năm đầu rất vui vẻ nhưng sau đó, khi trở về Việt Nam sinh sống, anh bắt đầu bộc lộ tính sĩ diện, gia trưởng, thích ăn nhậu. Ban đầu, tôi cũng chiều vì nghĩ anh qua đây một thân một mình, không bạn bè người thân gì rất dễ bị stress. Nhưng tôi càng nhân nhượng thì anh càng quá đáng.
Thấy tôi phát triển trong công việc, anh bắt đầu lo sợ và tìm mọi cách khống chế. Anh chửi tôi là đồ tham tiền. Tôi cố gắng giải thích nhưng không hiệu quả nên dần dần chúng tôi càng ít chia sẻ với nhau.
Và đó cũng là lúc xuất hiện những đòn roi?
Anh nói tôi đi với người này người kia, mặc đẹp đi event để cho người ta ngắm trong khi không hề có chuyện đó. Anh nhậu nhẹt, đập đồ rồi gầm lên như con thú khiến mấy đứa con tôi chỉ biết run cầm cập. Mới đầu tôi có phản kháng lại nhưng sau này thì thôi, vì tôi càng phản kháng, anh càng nổi điên.
Hai cú vấp ngã kéo dài hơn 20 năm khiến chị do dự như thế nào khi quyết định đến với người đàn ông thứ ba, một chàng trai trẻ hơn chị 10 tuổi?
Tôi thật sự biết sợ, nếu không có sự động viên của các con chắc tôi không có đủ can đảm để bước vào cuộc hẹn hò đầu tiên. Với người đàn ông thứ ba, tôi có một giai đoạn thử thách và dò xét đủ thứ. Giữa chúng tôi cũng có những quy tắc rất rõ ràng và tới thời điểm hiện tại, những gì đã hứa với tôi anh đều làm rất tốt.
Anh là người điềm đạm, tinh tế và có vẻ ngoài già hơn so với tuổi. Sống ở Mỹ từ nhỏ nên anh không rành tiếng Việt. Những gì anh biết về tôi không phải qua báo chí mà nhờ tiếp xúc trực tiếp. Quen người trẻ tuổi hơn cũng giúp tôi có động lực để năng nổ hơn trong việc giữ gìn nhan sắc.
Hiện tại, tôi hài lòng với cuộc sống. Về nhà có người thương, đi công tác có người chăm con, công việc có người giúp đỡ. Sự xuất hiện của anh là điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi.
41 tuổi mới thật sự biết yêu và được yêu, chị có thấy thiệt thòi không?
Tôi không nghĩ đó là thiệt thòi. Nếu biết yêu sớm thì chắc gì tôi đã có cuộc tình yên ổn như bây giờ.
Chị có nghĩ đến một đám cưới?
Nếu mọi thứ tốt đẹp, có thể tôi sẽ một lần làm đám cưới đàng hoàng trong đời với sự chúc phúc của các con. Tuy nhiên, đám cưới với tôi không phải là điều nhất định phải có.
Gia đình anh ấy nói gì về mối quan hệ của hai người?
Anh chị của anh ấy rất thương tôi, còn mẹ anh thì vẫn chưa chấp nhận được chuyện này. Nhưng nhờ vậy, tôi mới nhận ra người đàn ông này đã chín chắn và có khả năng tự quyết định cuộc đời mình. Nếu không có bản lĩnh bảo vệ chuyện tình cảm của mình thì anh cũng không thể nào bước vào gia đình tôi được. Ba đứa con tôi không phải dạng vừa đâu.
Sau tất cả, chị thấy đàn ông có vai trò gì đối với cuộc đời mình?
Có thì thêm một người tri kỷ, một anh bạn thân, không có thì sẽ buồn, nhưng không có nghĩa là không thể chịu được. Tình yêu nam nữ đối với tôi bây giờ không còn quá quan trọng nữa. Cũng như gia đình hạnh phúc không có nghĩa là phải đầy đủ tất cả các thành viên. Nếu một ngày mối quan hệ này khiến anh ấy hoặc tôi buồn thì chúng tôi sẽ dừng lại.
Chả có lý do gì để một bà mẹ phải lẽo đẽo theo con
Một người phụ nữ như chị còn khó tìm cho mình một tình yêu đích thực, chị có lo lắng không khi biết con mình thuộc giới tính thứ ba?
Tôi thấy trong giới đồng tính rất khó có tình yêu chung thủy. Họ hay bị thu hút bởi ngoại hình và vật chất, trong khi con tôi không đủ mưu mô và chiêu trò. Nhiều người làm quen với con tôi nhưng chỉ suốt ngày hỏi chuyện của tôi. Thế nên, tôi sợ người ta nhìn vào hoàn cảnh gia đình nhà tôi rồi xoay con tôi như chong chóng, khiến nó bị tổn thương đến mức không thể đứng lên được.
Quan tâm đến con như vậy mà có thời điểm mẹ con chị lại không nhìn mặt nhau?
Con tôi đã làm sai rất nhiều lần trong quy trình vận hành của công ty dẫn đến thất thoát. Tôi cũng thấy người ta lợi dụng con tôi trong khi nó lại không nhận ra điều đó. Có dự án con tôi trình lên nhưng tôi không duyệt. Sự từ chối đó chạm vào lòng hiếu thắng của tuổi trẻ, cộng thêm tác động bên ngoài khiến con tôi quay sang ghét mẹ.
Khi con tôi bước ra khỏi nhà, tôi căn dặn hai điều: thứ nhất, không được hút chích; thứ hai, không được làm gì ảnh hưởng đến uy tín công ty. Nếu phạm vào một trong hai điều đó, tôi sẽ từ con luôn. Ai cũng nghĩ tôi chỉ giỏi nói, chỉ cần con đi 2-3 buổi là sẽ khóc lóc tìm nó về nhưng không, chả có lý do gì để một bà mẹ phải lẽo đẽo theo con. Nếu không kiên quyết, tôi sẽ không dạy được con.
Con ra khỏi nhà, tôi xem như cháu đang đi du học. Đối diện trực tiếp với con, tôi rất cứng rắn, cắt hết trợ cấp nhưng vẫn dõi theo con bằng những mối quan hệ bạn bè. Tôi muốn con bước ra ngoài để tự nhận biết việc mình đang làm là đúng hay sai. Kết quả là những người trước đó vây quanh con tôi thì lúc ấy lại không quan tâm tới nó nữa. Sự thay đổi đó khiến con tôi nhận ra cái sai của mình và quyết định trở về xin lỗi mẹ.
Bài: Ngân An – Ảnh: Kỳ Anh
(Theo Tạp Chí Đẹp)