Chắc hẳn thời thanh xuân mỗi cô gái đều từng mơ ước được một lần mặc váy lụa trắng muốt, chạy tung tăng trên cánh đồng hoa oải hương thênh thang tím ngát và tỏa hương thơm ngào ngạt. Giấc mơ sẽ thành sự thật khi bạn đặt chân đến thung lũng Y Lê vào giữa mùa Hè.
Chẳng cần phải đến Florence ở nước Pháp xa xôi, ngay thung lũng Y Lê thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc cũng có một cánh đồng hoa oải hương rộng 1.400 ha, nơi bạn có thể đắm chìm trong không gian ngập tràn sắc tím và nồng nàn hương thơm vào giữa những ngày Hè rực nắng.
Từ Hà Nội, chúng tôi bay tới Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ, sau đó tiếp tục đi xe bus đến huyện tự trị Y Lê, thung lũng Y Lê cách Urumqi khoảng 500km. Khu tự trị Y Lê Kazakh có đường biên giới với Kazakhstan, Nga và Mông Cổ, là điểm cuối trên con đường tơ lụa nổi tiếng tuyến phía Bắc thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nơi đây có những thảo nguyên mênh mông vô tận, núi non chập chùng hùng vĩ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa Đông – Tây, những phong tục tập quán sắc tộc khác biệt và lịch sử huyền bí của con đường tơ lụa cổ xưa đã tạo nên nét đẹp độc đáo ít nơi nào có được.
HỒ SAYRAM – VIÊN NGỌC TRÊN NÚI CAO
Hồ Sayram có nghĩa là phước lành theo tiếng Kazakh – là hồ lớn và cao nhất ở Tân Cương, nằm ở độ cao 2.070m trong lưu vực phía Bắc của dãy Thiên Sơn hùng vĩ và thảo nguyên Y Lê xanh mướt. Có chiều dài miên man khoảng 30km từ Đông sang Tây và rộng 25m từ Bắc xuống Nam, hồ Sayram được xem như một viên ngọc sapphire lấp lánh tỏa sáng miền biên cương.
Chúng tôi đến hồ Sayram vào buổi chiều mùa Hè rực nắng còn thơm mùi hoa cỏ, khi những cô gái dân tộc Duy Ngô Nhĩ xinh đẹp trong tà áo lụa đủ sắc màu, những chàng trai du mục Kazakh rắn rỏi phong trần trên lưng ngựa đang thơ thẩn dạo chơi ven hồ. Trảng cỏ xanh mướt xen những thảm hoa dại nhỏ vàng và tím, lấm tấm vài cụm hoa bồ công anh trắng. Đâu đó rải rác những đàn dê và cừu trắng muốt thong thả gặm cỏ. Cả thảo nguyên yên ả thu vào trong tầm mắt chúng tôi như một bức tranh tả cảnh hữu tình đẹp đến mê mẩn.
Rời hồ Sayram, anh bạn dẫn đường đưa chúng tôi tới khu lều trại nghỉ vào buổi tối. Đó là một chiếc lều du mục lớn có thể chứa được trên chục người. Từ đây có thể thấy phong cảnh hùng vĩ của thung lũng Quả Tự Câu với một cây cầu rất lớn nối liền đường hầm xuyên qua hai dãy núi. Cây cầu dài vài km có các trụ cầu cao hàng trăm mét được đóng thẳng xuống thung lũng bên dưới.
Căn lều vải kiểu Mông Cổ màu trắng được dựng trên một sườn núi thoai thoải, từ đây có thể thấy được đỉnh núi Thiên Sơn trắng xóa xa xa. Bên trong lều, trên ván gỗ cao hơn nền đất chừng 20cm có trải rất nhiều tấm nệm dày và chăn bông. Ở giữa lều là dãy bàn thấp và một lò sưởi bằng củi với ống khói thô sơ trổ lên trên nóc. Những bộ trang phục dân tộc Duy Ngô Nhĩ sặc sỡ được treo xung quanh vách lều.
Tối hôm ấy, chúng tôi được trò chuyện với một cảnh sát người Mông Cổ thân thiện. Anh giới thiệu với chúng tôi về lễ hội Nadam được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 7 hàng năm. Vào những ngày này, người Mông Cổ và người Kazakh sẽ tụ tập bên bờ hồ Sayram và tổ chức rất nhiều hoạt động thi đấu sôi nổi như đua ngựa, đấu vật, bắn cung, hát múa… Bên cạnh đó, lễ hội còn có rất nhiều món ăn độc đáo của người địa phương tại thung lũng Y Lê.
Một trong những món ăn đặc trưng của Tân Cương là mì sợi thủ công. Người thợ sẽ dùng bàn tay khéo léo liên tục kéo dài những sợi mì cho đến khi sợi nhuyễn, có độ dẻo và dai nhất định rồi nhúng vào nước sôi. Sau khi vớt ra, mì được xào với thịt cừu băm và ớt chuông có hương vị đậm đà. Món ăn mang lại nhiều năng lượng cho dân du mục và gây ấn tượng mạnh với thực khách phương xa.
ĐI TÌM GIẤC MƠ HOA OẢI HƯƠNG
Sáng ngày hôm sau, cả đoàn háo hức lên đường đi tìm cánh đồng hoa trong mơ tại thung lũng Y Lê và mất chút thời gian bởi những cánh đồng hoa thường nằm rải rác trên phạm vi huyện Huocheng rộng lớn. Thật may mắn, chúng tôi gặp được một bác nông dân trên đường đi và được bác dẫn về vườn oải hương của mình. Ai cũng ồ lên đầy ngạc nhiên, cảm giác thật tuyệt vời khi được đứng giữa cánh đồng hoa và tận hưởng không gian bao la trải dài một màu tím.
Từng nhánh hoa rung rinh trong gió tỏa hương thơm ngát, xa phía chân trời là hàng bạch dương và núi non hùng vĩ. Giấc mơ ngày xưa giờ thành sự thực khi chúng tôi có thể thỏa thích chạy nhảy, thả hồn mình phiêu bồng trên những luống hoa để hít đầy lồng ngực và ướp mình trong mùi hương nồng nàn của loài hoa ấy. Đến bây giờ tôi mới hiểu được vì sao loài hoa có vẻ đẹp mộc mạc này lại có sức quyến rũ kỳ lạ như thế, khiến chúng tôi cứ quyến luyến mãi không muốn rời đi.
Chia tay cánh đồng hoa trong tiếc nuối, anh bạn dẫn đường đưa chúng tôi đến một trung tâm chế biến các sản phẩm từ hoa oải hương ngay tại thung lũng Y Lê. Nơi đây có dây chuyền sản xuất tinh dầu và rất nhiều sản phẩm khác nhau từ nến thơm đến sản phẩm chăm sóc da, mọi thứ đều mê hoặc tất cả chị em trong đoàn. Bên ngoài trung tâm chế xuất được bao quanh bởi những cánh đồng oải hương với nhiều cấp độ tím khác nhau từ nhạt đến đậm, tím xanh biếc hay ngả sang hồng. Và thế là, giấc mơ thơm mùi oải hương của chúng tôi cứ kéo dài tưởng không bao giờ dứt.
TUYẾT RƠI GIỮA MÙA HÈ
Rời mặt hồ Sayram lặng như gương soi và những thảm hoa oải hương thơ mộng, chúng tôi đến với thảo nguyên Narati và Bayanbulak. Narati là một đồng cỏ ôn đới và là một trong bốn đồng cỏ lớn nhất thế giới, do độ cao ấn tượng so với mặt nước biển nên nơi đây được mệnh danh là “đồng cỏ trên trời”. Trong những năm cuối của triều đại Nam Tống (1127-1279), Thành Cát Tư Hãn đã thực hiện chuyến thám hiểm phía Tây đến thung lũng Y Lê vào mùa Hè, vì điều kiện khắc nghiệt nên những người lính nhanh chóng mệt mỏi và đói. Sau khi băng qua một ngọn núi, họ nhìn thấy một vùng đồng cỏ đẹp vô tận, những bông hoa nở rộ và dòng suối lấp lánh. Những người lính kêu lên vui vẻ “Narati, Narati”, và tên gọi của đồng cỏ được ra đời như thế.
Do cả tối hôm trước trời mưa rả rích nên sáng hôm sau, màn sương mù trông như tấm vải lụa khổng lồ trong suốt mềm mại giăng hờ hững trên dãy núi và rừng thông xanh. Chúng tôi lên xe băng qua thảo nguyên Narati khi trời vừa hửng nắng, đồi núi chập chùng nối tiếp nhau đến tận chân trời. Đây đó lác đác vài đàn cừu và dê đang nhởn nhơ gặm cỏ và những chú chó chăn cừu chạy lăng xăng quanh đó thật vui mắt. Một lúc sau, chúng tôi dừng lại ven đường rồi đến bắt chuyện với một gia đình người Kazakh.
Cả gia đình trải bạt ngồi chơi trên thảm cỏ ven bờ suối ở thung lũng Y Lê và ăn trái cây, thỉnh thoảng một đàn dê và cừu được chăn thả tự do lững thững đi ngang qua, không gian thật thanh bình và ấm áp. Bản tính người Kazakh thân thiện và hiền lành nên chẳng bao lâu chúng tôi đã có thể làm quen. Ngôn ngữ dường như không còn là rào cản mà chỉ còn những tiếng cười rộn rã.
Tạm biệt những người bạn Kazakh hiếu khách, chúng tôi tiếp tục băng qua những ngọn núi để đến điểm kế tiếp trong hành trình là thảo nguyên Bayanbulak. Càng lên cao, không khí càng lạnh và kỳ lạ thay, giữa mùa Hè mà tuyết lại rơi. Những bông tuyết to trắng muốt rơi ngày càng dày và chỉ thoáng chốc, khung cảnh xung quanh đã ngập một màu trắng xóa. Một lớp tuyết phủ lên hàng thông và những ngôi nhà gỗ ven đường khiến chúng tôi tưởng như đang lạc vào một vùng đất nào đó ở tận Bắc Âu.
Lúc sau, chiếc xe bắt đầu đi một cách chật vật trong lớp tuyết dày 20cm và có lúc bị trượt bánh vì trơn. Sau đó, xe phải dừng lại hẳn vì phía trước có một đoàn xe đang xếp thành hàng dài. Nhiều tài xế đã phải mang xẻng xuống xúc bớt tuyết và cuốn thêm những dây xích để chống trơn trượt quanh bánh. Cảm giác phấn khích ban đầu dần thay thế bằng sự lo lắng, chúng tôi cùng bảo nhau xuống xe phụ bác tài một tay xúc tuyết và đẩy xe một quãng.
Vài chặng có núi đá sạt lở nhưng rất may đội cứu hộ có mặt kịp thời để dọn đường. Cuối cùng, sau 5 giờ trong tuyết lạnh, chúng tôi đã qua được con đèo và tới thảo nguyên Bayanbulak. Khu lều trại của dân du mục im lìm bồng bềnh chìm trong sương khói mờ ảo. Anh bạn dẫn đường nói rằng, tuyết hiếm khi rơi vào mùa Hè, đây có lẽ một điều may mắn và góp phần làm chuyến đi của chúng tôi thêm ấn tượng và thú vị.
Và cho đến mãi sau này, mỗi khi vào Hè, chúng tôi lại hoài niệm về những ngày thơm nức mùi oải hương tại thung lũng Y Lê và chuyến đi trong tuyết trắng ấy như một phần ký ức đẹp đẽ của tuổi trẻ.
Chuẩn bị cho chuyến đi
• Mùa hoa oải hương có thể thay đổi theo thời tiết từng năm và thường rơi vào giữa mùa Hè.
• Cần chuẩn bị cả quần áo ấm và mát cho thời tiết lạnh 0 – 5 độ ở Y Lê và trên 18 độ ở Urumqi.
• Bạn cần liên hệ đại lý du lịch để chuẩn bị trước giấy thông hành cho người nước ngoài khi đi qua một số vùng ở Tân Cương.
• Nên mua máy bay khứ hồi từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Urumqi để tiết kiệm hơn so với mua từng chặng.
• Món ăn vùng Tân Cương chủ yếu làm bằng thịt cừu, nếu bạn không ăn được, cần chuẩn bị đồ ăn khô mang theo. Không nên ăn thịt heo trước mặt người địa phương bởi đa số người dân ở đây theo đạo Hồi.
(TheoTạp chí Phái đẹp ELLE)