Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm trong cuộc sống như: “Cày” phim thâu đêm thói quen không tốt, Dạy trẻ cạnh tranh lành mạnh và Khi ba mẹ kết bạn với con trên mạng xã hội.

“Cày” phim thâu đêm thói quen không tốt
Hiện nay, nhiều người cho rằng xem phim đến tận 2 – 3 giờ sáng là việc bình thường. Ban ngày bận bịu với công việc, học tập và các mối quan hệ xung quanh, nên buổi tối muộn chính là thời điểm thích hợp để tập trung xem phim mà không sợ bị ai làm phiền. Cũng vì với tâm lý này, dành nhiều giờ liền để xem phim thâu đêm khiến không ít người luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người, thời gian buổi tối là lúc hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời, đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của cơ thể. Khi thức quá khuya sẽ khiến mắt làm việc quá mức, liên tục phải làm việc với ánh sáng xanh của màn hình điện tử, cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, khó tập trung, ảnh hưởng đến hiệu suất lao động cũng như học tập. Thói quen này nếu kéo dài còn có thể khiến bản thân mắc phải rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về mắt hay thậm chí là đột quy.

Bác sĩ Trần Minh Khuyên (Trưởng khoa tâm thể, phòng khám bệnh viện ĐH Y Dược 1, TP.HCM) cho biết, khung giờ để cơ thể nghỉ ngơi từ 7 – 8 tiếng là từ 10 giờ tối đến 5 – 6 giờ sáng, khi ấy cơ thể cần được ngủ đủ và ngủ sâu để các cơ quan nội tiết hoạt động và cân chỉnh lại cơ thể. Khi cơ thể không được đáp ứng nhu cầu đó, các cơ quan sẽ ức chế và không làm việc, dẫn đến suy giảm miễn dịch, gan không lọc tốt làm tồn ứ nhiều chất độc khiến da xấu đi, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống tinh thần.

Mỗi người cần chia thời gian học tập, làm việc và giải trí phù hợp để việc xem phim không ảnh hưởng đến khoảng thời gian nghỉ ngơi, nếu có thể hãy tự đặt giới hạn cho mình, như mỗi tối chỉ xem từ 1 đến 2 tập phim, đảm bảo thời gian ngủ đủ 8 tiếng 1 ngày để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra cũng nên kết hợp với chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể thao để có cơ thể khỏe mạnh.
Link tập 63: “Cày” phim thâu đêm thói quen không tốt

Dạy trẻ cạnh tranh lành mạnh
Trong cuộc sống, sự cạnh tranh diễn ra ở khắp mọi nơi, đặt biệt là với trẻ em, ngay từ nhỏ nếu dạy trẻ cách đối diện với cạnh tranh bằng thái độ đúng đắn, đó là một trong những điều quan trọng giúp ích cho việc hình thành nhân cách ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời tác động đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

Chị Lê Phi Anh, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM hoàn toàn ủng hộ sự cạnh tranh của các trẻ từ khi còn nhỏ, việc này rất tốt cho quá trình trưởng thành của các em, song song với đó, chị cũng không quên việc theo sát, khuyên răn và nhắc nhở để các em có sự cạnh tranh lành mạnh và đúng đắn nhất.
Theo Thạc sĩ Huỳnh Trần Hoài Đức (Chuyên gia tâm lý), trẻ em sau cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 đã bắt đầu có ý thức về bản thân của mình nhiều hơn, dấu hiệu dễ nhận thấy là trẻ thích chơi những trò chơi và muốn giành chiến thắng để thể hiện khả năng của mình. Thường thì ngay từ nhỏ chúng ta đã có tâm lý thích được thể hiện sự cạnh tranh, phấn đấu để đạt được một mục tiêu gì đó.

Xét về mặt tích cực, cạnh tranh sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng cũng như nghị lực, ý chí kiên trì và sự đồng cảm. Tuy nhiên trong nhiều gia đình hiện nay, ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng về thành tích hay điểm số cho trẻ, khả năng của trẻ sẽ được ghi nhận và tán dương nếu trẻ đạt được thành tích cao. Ngược lại, nếu có thành tích chưa tốt thì ba mẹ trách phạt hay so sánh với bạn bè. Đôi lúc chúng ta lại đề cao thành tích một cách quá mức khiến cho trẻ phải luôn nỗ lực và chạy theo chúng. Thậm chí trẻ sẽ cạnh tranh, hơn thua với bạn bè một cách thiếu lành mạnh, với mục đích làm sao để đạt được kết quả cao nhất và khó có thể chấp nhận được sự thất bại. Như vậy ba mẹ đã vô tình đẩy trẻ vào những cuộc đua mà chúng không hề mong muốn, trẻ không còn thời gian để xây dựng ưu điểm cho bản thân.

Nếu trẻ bị áp lực, cố tình hơn thua, điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm say mê học tập của trẻ mà còn khiến động lực học của em trở nên lệch lạc. Nếu trẻ thấy rằng, dù có cố gắng đến thế nào cũng không thể đáp ứng được kỳ vọng của ba mẹ và không vượt qua được các bạn cùng lớp, trẻ sẽ cảm thấy áp lực, căng thẳng và thậm chí là tuyệt vọng. Khi đứa trẻ phải chịu sự cạnh tranh ở trường và về nhà phải chịu áp lực từ ba mẹ, sẽ cảm thấy luôn bị phán xét cho dù có thể hiện tốt thế nào đi chăng nữa.

Để giải đáp vấn đề trên, chuyên gia tâm lý Huỳnh Trần Hoài Đức khuyên: “Ba mẹ cần phải định hướng cho con ngay từ ban đầu, rằng việc cạnh tranh trong các cuộc thi là cơ hội để giúp con hiểu bản thân mình hơn, hoặc là ba mẹ cũng cần điều chỉnh kỳ vọng của mình, những điều đó sẽ làm cho con hình dung rằng mình đang phấn đấu để bản thân tốt hơn mỗi ngày, điều này đẹp hơn rất nhiều với suy nghĩ nhất quyết phải hơn người khác, cuối cùng là giúp con hiểu thất bại không phải điều xấu, vì thất bại sẽ khiến con rút ra nhiều bài học quý giá”.

Cạnh tranh giúp trẻ học được rằng, không phải là người giỏi nhất hay thông minh nhất mới là người thành công. Ba mẹ hãy giúp con hiểu rằng chiến thắng không phải là tất cả, mà đó là mục tiêu để con làm hết sức mình. Đối với những trẻ hiếu thắng, hãy sử dụng những trò chơi để trẻ chấp nhận thắng thua một cách văn minh, tìm đến các hoạt động xây dựng kỹ năng sống.

Khi ba mẹ kết bạn với con trên mạng xã hội
Anh Trần Quốc Dũng ngụ TP.HCM chia sẻ câu chuyện kết bạn với con trên mạng xã hội. Anh muốn quan tâm hơn về cuộc sống của con mình trên mạng xã hội, tuy nhiên anh chỉ theo dõi trong âm thầm, không để lại bất cứ bình luận nào vì sợ con ngại.

Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ em từ 10 – 12 tuổi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, nhiều bậc ba mẹ lo lắng con mình không biết cách chọn lọc những nội dung an toàn, lành mạnh trên mạng xã hội và dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu. Một số người lo ngại việc con mình chia sẻ những thông tin riêng tư mà không nhìn nhận ra những cạm bẫy trên mạng.

Chị N.B.T nhận thấy con gái đến tuổi dậy thì, tâm tính ngày càng thay đổi nên đã vào một trang mạng xã hội để kết bạn với con gái, không những chị bị con gái từ chối lời mời kết bạn mà còn bị chặn luôn tài khoản mạng xã hội, chị phải lập một tài khoản ảo và bí mật theo dõi con.
Thực tế, việc ba mẹ sử dụng mạng xã hội để kết nối, theo dõi nội dung của con chia sẻ cũng cần được thực hiện một cách cân nhắc, bởi nếu bất cứ hành động nào trên không gian mạng của con đều bị theo dõi và nhắc nhở, thì con sẽ không còn cảm thấy được tự do và riêng tư nữa.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Chuyên gia tâm lý) cho biết, ba mẹ khi gửi lời mời kết bạn với con thì phải cho con quyền được đồng ý hay không, thứ hai là khi nhìn thấy những điều mà ba mẹ không đồng ý về con, ba mẹ cũng nên tránh những bình luận tiêu cực, xúc phạm con trên mạng xã hội. Mọi giải quyết cần phải có sự tương tác và trao đổi hướng giải quyết với con ở cuộc sống đời thực.
Link tập 65: Khi ba mẹ kết bạn với con trên mạng xã hội

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Phương Giang