Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Khi các con bất hòa, cần biết cách phát huy thế mạnh của bản thân, quan niệm “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” có đúng?

Khi các con bất hòa

Trong những gia đình có từ hai con trở lên, việc các con có mâu thuẫn cãi nhau là một trong những điều không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ tạo ra sự căng thẳng trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và mối quan hệ giữa các thành viên. Mâu thuẫn giữa các con có thể xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với trẻ nhỏ, các con thường ganh tị khi cảm thấy mình không được cha mẹ quan tâm bằng như người anh chị em khác. Ngoài ra, sự khác biệt trong tính cách, sở thích và suy nghĩ cũng có thể làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các con. Để giải quyết vấn đề này, các bậc phụ huynh đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để giúp cho các con giải quyết được mâu thuẫn.

Chị Mai Thị Ngọc Mai, quận Phú Nhuận, TP. HCM chia sẻ: “Tôi thường yêu cầu các con trò chuyện, trao đổi với nhau. Sau đó, tôi sẽ đứng ra giải thích vấn đề cho các con và đặt ra những quy tắc để giúp các con không phải mâu thuẫn trong những lần sau”.

Có thể thấy mâu thuẫn giữa con cái sẽ không có gì nghiêm trọng, nếu các bậc phụ huynh có hướng giải quyết êm đẹp và xây dựng được sự nhường nhịn, gắn kết giữa các con. Tuy nhiên, ở một vài gia đình, điều này cũng gây khó khăn. 

TS Phạm Thị Thúy – Chuyên gia Tâm lý cho biết: “Khi không có người thứ ba can ngăn giống như trọng tài là bố mẹ, ông bà, hay ai đó trong nhà, thì mâu thuẫn sẽ bị đào sâu. Lúc đầu chỉ là cãi qua cãi lại, lườm nhau một tí xíu thôi, nhưng đến lúc nào đó, họ không chấp nhận được, thì họ sẽ xông vào tấn công cơ thể của nhau. Các con sẽ có những hành động bạo lực và gây ra những tổn thương, thậm chí là có những sự tranh chấp sau này. Nhiều gia đình là chỉ vì các con đánh nhau, cãi nhau mà dẫn đến bố mẹ cũng có mâu thuẫn khi không đồng thuận trong quan điểm dạy con. Không biết cách làm thế nào để giảm hòa giữa các con, thì tự nhiên trong mối quan hệ gia đình rất dễ xảy ra xung đột”.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ có thể phân xử công bằng không chỉ giúp giải quyết mâu thuẫn mà còn giúp xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu giữa cha mẹ và các con. Đồng thời, giúp các con học được cách giải quyết vấn đề và tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ cần giúp các con bình tĩnh, nguyên tắc của giải quyết mâu thuẫn là tách họ ra để họ có đủ thời gian bình tĩnh lại. “Khi họ bình tĩnh chúng ta mới cho các bên được nói ra cái ấm ứcmâu thuẫnbực bội của họ. Tức là chúng ta đang lắng nghe con để tìm ra nguyên nhân, khi mà chính các con nói ra và ta hiểu nguyên nhân của xung đột, các con cũng tự nhìn nhận lại nguyên nhân của xung đột. Nguyên nhân của việc tại sao lại đánh nhau, mâu thuẫn, thì các con sẽ có giải pháp. Và giải pháp lúc đó có thể là làm hòa bằng cách xin lỗi nhau, hoặc là làm hòa bằng cách đi ăn, đi chơi với nhau. Có rất nhiều giải pháp khác nhau, tùy thuộc vào tuổi của con”TS Phạm Thị Thúy cho biết thêm.

Cần biết cách phát huy thế mạnh của bản thân

Cách nhanh nhất để hoàn thiện và phát triển bản thân, chính là tự ý thức nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Từ đó, cải thiện điểm yếu cũng như phát huy thế mạnh của chính mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để khai thác tốt tiềm năng của bản thân, đặc biệt là nhận diện được thế mạnh của mình.

ThS Trịnh Viết Then – Trưởng bộ Môn Tâm lý học, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết,  chúng ta cần phải tự nhận biết, tự tìm hiểu về chính bản thân mình. “Ở mỗi lứa tuổi, chúng ta cần phải tự ý thức những yếu tố, những đặc điểm về mặt thể chất, về mặt tâm lý. Đó có những thế mạnh gì? Bản thân chúng ta cần phải thử sức mình, tức là dấn thân mình và trải nghiệm thông qua các hoạt động cụ thể, để có thể nhận biết được những cái thế mạnh của bản thân.  Thế mạnh của mỗi người, chỉ được bộc lộ thông qua các hoạt động cụ thể. Đồng thời, thông qua bạn bè, người thân trong gia đình, thầy cô có kinh nghiệm, họ có những trải nghiệm, họ cho chúng ta nhận xét, đánh giá về những cái thế mạnh cũng như những cái hạn chế của chúng ta. Khi hiểu rõ về bản thân hơn, chúng ta có thể tập trung vào việc phát triển kỹ năng trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi”.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, TP.HCM cho biết: “Trước đây, khi tôi chưa tìm ra được thế mạnh của bản thân, tôi cảm thấy hoang mang và mơ hồ khi chưa biết mình là ai, muốn gì và cần làm gì. Sau quá trình phát hiện và tìm ra thế mạnh của bản thân, tôi đã cảm thấy tự tin hơn về chính mình và có thể cống hiến hết mình trong công việc, cùng với những dự định phát triển trong tương lai”.

Để phát huy điểm mạnh của bản thân, mỗi người cần phải xác định được điểm mạnh của bản thân là gì, thuyết phục bản thân tin vào điểm mạnh đó. Xác định được những gì bạn có thể làm với điểm mạnh đó, đồng thời lập kế hoạch để thực hiện những công việc đó và xây dựng kỹ năng liên quan đến điểm mạnh đó.

ThS Trần Hải Nguyên – Chuyên gia Tâm lý chia sẻ: “Khi chúng ta xác định được thế mạnh của bản thân, điều đầu tiên là chúng ta phải thiết lập những mục tiêu cho chính bản thân. Có được sự khẳng định lại một lần nữa, đó là những điểm mạnh của mình tạo ra được những giá trị. Chúng ta phải đặt song song đó là những câu hỏi, những kế hoạch, những lộ trình và chúng ta có thể đánh giá lại để chúng ta kiểm chứng thế mạnh của mình một cách hiệu quả và cần hoàn thiện hơn nữa”.

Clip Cần biết cách phát huy thế mạnh của bản thân:

Quan niệm “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” có đúng?

Chúng ta thường thấy mỗi đứa trẻ sẽ có một tính cách khác nhau. Tính cách đó một phần xuất phát từ bản năng của đứa trẻ, có từ lúc sinh ra. Một phần sẽ được hình thành trong quá trình lớn lên, khi đứa trẻ được tiếp xúc với cuộc sống của gia đình và môi trường xã hội. Trong gia đình, khi giáo dục con cái, cha mẹ thường mong con sẽ nghe lời. Tuy nhiên, sẽ có những đứa trẻ khi đến tuổi dậy thì sẽ có xu hướng làm trái ý cha mẹ. Do đó, trong dân gian thường có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” để giải thích việc này.

Chị Nguyễn Mai Phương – Gò Vấp, TP.HCM cho biết, tính cách của một đứa trẻ tốt hay xấu phụ thuộc nhiều vào gia đình cũng như môi trường sống mà con tiếp xúc. “Tôi tin rằng, nếu từ nhỏ được ba mẹ giáo dục tốt, tiếp xúc với những người tốt, thì trẻ sẽ tốt”chị Phương chia sẻ.

Chị Nguyễn Diễm Phương, Quận 5 cho biết: “Dù từ nhỏ, mình tạo cho con môi trường sống tốt. Nhưng khi lớn lên, đến tuổi nổi loạn con chỉ thích làm những gì mình muốn thôi, nên đôi khi cũng hơi mệt mỏi”.

Giáo dục con là việc mà cha mẹ nào cũng làm, nhưng một số đứa trẻ sẽ có tính cách khác biệt rất lớn so với những gì cha mẹ mong đợi. Tuy nhiên, khi đứa trẻ không ngoan, khi trẻ phạm lỗi, đều có nguyên do, mà không phải cha mẹ nào cũng chịu khó tìm hiểu và tìm cách giải quyết cùng con. Thông thường, khi con sai, cha mẹ sẽ có xu hướng trách phạt đứa trẻ, nhưng lại không chịu lắng nghe thấu hiểu nguyên nhân sâu xa. Lâu dần, khi đứa trẻ không nhận được sự động cảm thấu hiểu từ cha mẹ, chúng sẽ hình thành tính cách không như mong muốn của các bậc phụ huynh. Do đó, vai trò của cha mẹ là rất lớn trong việc hình thành tính cách của con trẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia Tâm lý cho biết, khi tính cách con trẻ được hình thành từ trong gia đình, vai trò của người cha, người mẹ rất quan trọng. Bởi chính người cha, người mẹ là người định hướng, điều chỉnh, và thay đổi môi trường tốt hơn cho con. “Khi con trẻ chúng ta có những thói quen không tốt, hoặc có những hành vi không tốt, cha mẹ phải ngay lập tức dành thời gian để định hướng lại cho con và điều chỉnh hành vi cho con”chuyên gia chia sẻ.

Thực tế, ngoài việc thừa hưởng từ cha mẹ, tính cách của một đứa trẻ chủ yếu được hình thành và phát triển từ những trải nghiệm mà đứa trẻ được tiếp nhận trong cuộc sống. Trong đó, môi trường gia đình có ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ. Những cách ứng xử với nhau của các bậc cha mẹ chính là tấm gương cho các con noi theo. Gia đình hạnh phúc, hòa thuận, thì con cái luôn sống trong không khí vui vẻ, yêu thương lẫn nhau. Ngược lại, với những đứa trẻ từ nhỏ tiếp xúc với môi trường mà cha mẹ có tính tình nóng nảy, thì con cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Sau khi lớn lên, trẻ sẽ được đến trường và rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, kiến thức bổ ích tại trường học. Khi trẻ được bạn bè quan tâm, khen ngợi, được thầy cô ân cần chỉ dạy, động viên, trẻ sẽ hình thành được sự tự tin, tính năng động, ham học hỏi, và tâm lý thoải mái để học tập hiệu quả.

Bên cạnh các yếu tố tác động trực tiếp từ gia đình, bạn bè, thầy cô, thì môi trường sống xung quanh cũng khá quan trọng. Nếu trẻ nhỏ được sinh sống và lớn lên trong một khu phố văn minh, trẻ sẽ biết cách cư xử, tương tác, và có tâm lý tốt. Thậm chí, ngay đến khi trưởng thành, dù tính cách đã tạm thời ổn định, song nó vẫn tiếp tục được hoàn thiện.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên gia Xã hội học cho biết, việc đầu tiên chúng ta cần làm đó là làm gương. Thông thường nếu cha mẹ là người tử tế, thì con sẽ noi gương và trở thành người tử tế. “Chúng ta hãy cứ làm gương trước, từ cái cách ứng xử với mọi người xung quanh trong gia đình, họ hàng, cho đến xã hội. Chúng ta có là người tử tế không, sau đó sẽ dạy con cách giúp đỡ ông bà, cha mẹ, cách giúp đỡ bạn bè xung quanh, cách giúp đỡ thầy cô. Một đứa trẻ tử tế nó đến từ một đứa trẻ được yêu thương. Đứa trẻ được sống trong tình yêu thương, được quan tâm, chăm sóc, đối xử tử tế, tôn trọng, thì những đứa trẻ như vậy thường sẽ t tế với người khác”chuyên gia chia sẻ.

Tính cách không phải ngẫu nhiên mà có, ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống, thì tính cách còn hình thành từ việc giáo dục và bản thân của mỗi cá nhân biết tự điều chỉnh mình. Điều này có nghĩa là dù mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách khác nhau, đó có thể là tốt hoặc chưa tốt, nhưng cha mẹ vẫn có thể can thiệp và ảnh hưởng được. Do đó, cha mẹ cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để giúp con có sự phát triển tính cách trọn vẹn nhất.

Clip Quan niệm “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” có đúng?:

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Phương Giang