Trải qua 2 vòng thi đấu đầy kịch tính, các đội chơi đã hoàn toàn chinh phục khán giả và Ban giám khảo bởi phong thái tự tin, kiến thức vững vàng và sự chăm chút dành cho các chú robot.
Cuộc thi SRobot Chơi vui robot – Học tốt Pascal lần VII do trường SaigonTech, phân hiệu chính thức và duy nhất của Cao đẳng Cộng đồng Houston tại Việt Nam, phối hợp với Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Giải pháp nguồn nhân lực Công nghệ Thông tin ISC tiếp tục tổ chức Vòng chung kết SaigonTech SRobot để tìm ra những gương mặt xuất sắc nhất.
Sau gần 6 tháng kiên trì học hỏi, mày mò nghiên cứu và vượt qua không ít trở ngại, 86 trường trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành như Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ… đã chọn ra được những đại diện xuất sắc nhất để tham gia tranh tài: 60 đội cho nội dung SRobot Liên trường, 85 đội cho nội dung SRobot Mở rộng, 90 đội cho nội dung SRobot Vườn Ươm. Đặc biệt, cuộc thi còn có sự tham gia nhiệt tình của 9 trường THCS và THPT ở nội dung Sáng tạo Clip trên fanpage của cuộc thi.
SRobot Vườn ươm: Các tài năng công nghệ trẻ tràn đầy niềm tin chiến thắng
Từ khởi đầu hết sức thuận lợi của mùa giải năm trước, cuộc thi năm nay vẫn tiếp tục dành ra một sân chơi thú vị cho các em học sinh đến từ khối THCS với nội dung SRobot Vườn Ươm trong ngày 09/03/2019.
Cũng là lần đầu tiên tham gia sân chơi SRobot, nên cậu bé Trần Quang Thiện, lớp 7A5 trường Vinschool Center Park có phần rất e dè: “Khi ở trường, em cảm thấy rất tự tin, nhưng khi đến với hội thi lớn như thế này, em rất hồi hộp, thậm chí là hơi lo lắng vì robot của các đội bạn trông khá to và chắc chắn”.
Rút kinh nghiệm từ lần thi trước, ở sân chơi năm nay, trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đã khẳng định được bản lĩnh của mình khi có 4/4 đội đều vượt qua vòng loại và tiến thẳng vào chung kết.
Chia sẻ về các thành viên nhí của mình, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Tin học trường THCS Lê Lê Quý Đôn (quận 3) cho biết: “Ở lần thi này, trường Lê Quý Đôn đã có sự chuẩn bị sớm hơn và tốt hơn. Tuy nhiên, do các em còn quá bé, hầu hết đều đến từ khối lớp 6, nên kiến thức có phần hạn chế. Đêm qua, các đội chơi phải thức rất khuya để chỉnh sửa robot cho kịp buổi thi sáng hôm nay”.
Và đến khi vượt qua vòng loại, cậu bé Lý Đình Minh Mẫn đến từ trường THCS Nguyễn An Ninh vẫn còn không thể tưởng tượng nổi: “Em rất vui, hạnh phúc và vô cùng hồi hộp khi nhìn robot của mình thi đấu. Chính em cũng không tin rằng mình có thể vào được vòng trong”.
Trải qua hai vòng thi đấu căng thẳng, đội trường THCS Nguyễn An Ninh đã xuất sắc giành được vị trí Quán quân với thành tích thuyết phục. Xếp ngay sau đó, ngôi vị á quân được trao cho đội tuyển đến từ trường Ngô Sĩ Liên. Đứng ở vị trí thứ 3 là trường THCS Nguyễn Trung Trực. Giải khuyến khích thuộc về đội tuyển đến từ trường Lê Quý Đôn (quận 3).
Vẫn giữ phong độ là đội có robot được thiết kế đẹp nhất, trường Việt Mỹ (quận Tân Bình) tiếp tục nhận được danh hiệu này ở mùa thứ 2 thi đấu. Chia sẻ về chú robot “hầm hố” của mình, em Đặng Thiên Ân, lớp 8A hào hứng: “Em thấy robot của mình hoàn toàn xứng đáng nhận được giải thưởng này vì nó… quá ngầu”.
Bất chấp kết quả chung cuộc có như thế nào, thì sự hồn nhiên và tinh thần lạc quan của các bạn nhỏ cũng luôn là điều đáng để chúng ta học hỏi. Chúc các em luôn giữ được sự hồn nhiên và niềm đam mê dành cho khoa học như đã từng như thế trên hành trình học tập sắp tới.
SRobot Mở rộng: Nơi thổi bùng ngọn lửa khát khao chinh phục công nghệ
Trải qua 6 tháng dài để học lập trình, viết code và lắp ráp robot, yếu tố thời gian tưởng là lợi thế, nhưng thực sự lại là trở ngại của các em học sinh THPT. Bởi lẽ, lịch học tập dày đặc của những năm cuối cấp đã lấy đi toàn bộ thời gian của các em, dễ khiến các em nản lòng khi gặp trở ngại trong quá trình làm việc cùng nhau.
Vì thế, bản thân những đội có thể đi được đến vòng chung kết diễn ra ngày 10/03/2019 đã là những chiến binh thật sự. Chính tình yêu bền bỉ dành cho khoa học, khát khao mang những kiến thức tích lũy được vào cuộc sống hàng ngày, đam mê chinh phục thử thách mới có thể giúp các em có đủ nghị lực đi hết hành trình đầy ắp gian nan lẫn vinh quang này.
Ở lượt đi của vòng chung kết, đội thi để lại ấn tượng cho chúng tôi nhiều nhất chính là 3 bạn nữ sinh đến từ trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh (TP. Biên Hòa). Khiêm tốn nép mình trong một góc nhỏ, khi được hỏi về chú robot của mình, em Phan Lê Thanh Thảo, lớp 10 Tin tâm sự: “Dù biết đội toàn nữ sẽ có phần thua thiệt, nhưng chúng em vẫn cố gắng, vẫn tự mình viết code để thử thách bản thân nhiều hơn. Tuy không dám mơ về chiến thắng, nhưng chúng em vẫn sẽ kiên trì đến cùng”.
Tương tự như các bạn trường Chuyên Lương Thế Vinh, 3 đội thi đến từ THPT Bình Chánh cũng thật sự để lại nhiều ấn tượng đẹp vì sự trưởng thành của mình khi có thể tự lập ở mọi tình huống. Bạn Trần Nguyễn Trường An, lớp 12A2 bộc bạch: “Trường em có 3/3 đội vào vòng chung kết ở nội dung Omni. Đây thật sự là một điều bất ngờ. Qua cuộc thi, chúng em học được nhiều điều về tinh thần đồng đội, cách sắp xếp thời gian và tích lũy kiến thức. Năm cuối cùng ở trường THPT, chúng em hy vọng sẽ để lại những kỷ niệm đáng nhớ”.
Trái ngược với các đội thi tỏ ra khá căng thẳng thì đương kim vô địch của cuộc thi SRobot lần thứ VI ở nội dung Liên trường, em Nguyễn Hồng Phát, học sinh lớp 11A, trường THPT Ngô Quyền (quận 7) lại tỏ ra khá bình tĩnh: “Đây là một sân chơi, nên em không đặt nặng vấn đề thành tích hay giải thưởng. Em chỉ cố hết sức và thi đấu thật tập trung”.
So với các đội thi ở khối THCS, trình độ của các đội thi ở nội dung Mở rộng có phần đồng đều hơn và chính điều đó đã đem đến sự kịch tích cho nội dung thi đấu này. Đặc biệt, ở nội dung thi này còn có một điểm mới, sự xuất hiện của robot cân bằng.
Kết quả chung cuộc, ở nội dung SRobot Mở rộng – Omni, giải Nhất thuộc về đội tuyển THPT Nguyễn Thượng Hiền, giải Nhì trường THPT Trần Phú, giải ba thuộc về trường THPT chuyên Bảo Lộc, giải khuyến khích thuộc về đội trường THPT Nguyễn Hữu Cầu.
Ở nội dung SRobot Mở rộng – Cân bằng, ngôi vị quán quân thuộc về trường THPT Tân Thông Hội (Củ Chi), giải nhì thuộc về trường THPT Văn Lang, giải ba thuộc về trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh và giải khuyến khích thuộc về trường Quốc tế Canada.
Không thể tưởng tượng nổi trước chiến thắng như một phép màu của mình, đại diện đội tuyển trường Quốc tế Canada, em Đỗ Nguyễn Mai Thanh, học sinh lớp 10.2 chia sẻ: “Đến giờ em vẫn còn run và cũng không thể tin là mình vượt qua vòng loại và có giải. Bởi lẽ, với em, mọi thứ đều là lần đầu tiên: lần đầu tiên học Adruino, lần đầu tiên tự làm ra một con robot, nhận được vé vớt và thi đấu lượt đầu tiên ở vòng chung kết. Tất cả cảm xúc của em lúc này gói gọn trong một từ: hạnh phúc”.
SRobot Liên trường: Sân chơi không dành cho người… yếu tim
Nếu có thể ví các đội ở nội dung SRobot Mở rộng là chiến binh, thì thành viên của các đội SRobot Liên trường thật sự là những người hùng. Bởi lẽ, đây chính là phần thi khó khăn nhất cho các đội chơi.
Vào buổi sáng của ngày thi đấu chính thức, các đội mới nhận được đề thi. Ngay lập tức, tất cả các thí sinh sẽ tập trung làm việc một cách cao độ. Mọi công đoạn gồm viết code, nạp code và thử sân chỉ được thực hiện trong khoảng 3 giờ.
Chính vì thế, thành viên của các đội tham dự nội dung này phải là những học sinh ưu tú nhất, có kiến thức tốt về lập trình và đặc biệt là phải có bản lĩnh thi đấu vững vàng, có khả năng làm việc tập trung với cường độ cao và biết cách chịu áp lực tốt nhất.
Đánh giá trình độ của thí sinh đến tham gia tranh tài, thầy Nguyễn Đức Tiến, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin trường SaigonTech nhận định: “Đứng trước bộ đề thi năm nay, nhiều đội cảm thấy quá sức, thậm chí là không ít đội đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, khi đã trụ lại được, các em đều là những thí sinh rất nghiêm túc và có sự đầu tư chu đáo. Ngay ở giai đoạn lập trình, chúng tôi đã nhận diện được 3 ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch”.
Có đứng giữa sân đấu mới thấy được áp lực của các em lớn đến thế nào. Những khuôn mặt đăm chiêu, tay nắm chặt vì căng thẳng, mồ hôi tuôn dài trên trán là minh chứng cho sự lo lắng và quyết tâm dồn vào trận đấu. Chính vì lý do đó, nhiều bạn thí sinh nói vui với nhau là: “Em đang cần Ban tổ chức cấp cho các em thuốc… trợ tim”.
Trong khi các đội chọn giải pháp an toàn là thi đấu không có vật cản và nhận thành tích bị trừ 10 đơn vị trên sa bàn hoặc cộng thêm 30 giây vào kết quả chung cuộc, thì đội đến từ trường THPT Nhân Việt lại tự tin đối diện với thử thách. Dù thi đấu không thật thành công khi phải dừng lại ở cột mốc thứ 21, em Huỳnh Duy Đăng lớp 11B4 vẫn tỏ ra hài lòng với sự thể hiện của mình: “Em lựa chọn thử thách vì tin tưởng vào khả năng lập trình và những dòng code đã viết ra. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là em không dự liệu được nhiều tình huống phát sinh trong thực tế. Em sẽ rút kinh nghiệm và chắc chắn là kết quả sẽ tốt hơn”.
Trải qua 2 vòng thi đấu đầy kịch tính, các đội chơi đã hoàn toàn chinh phục khán giả và Ban giám khảo bởi phong thái tự tin, kiến thức vững vàng và sự chăm chút dành cho các chú robot.
Giải nhất và giải ba của nội dung Liên trường đã thuộc về hai đến từ trường THPT Tân Bình. Giải nhì đã được trao cho đội THPT Trần Phú. Giải khuyến khích thuộc về các đội: THPT Trung Phú, THPT Trần Phú, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Chuyên Lương Thế Vinh. Giải robot có thiết kế ấn tượng nhất thuộc về đội THPT Văn Lang.
Chia sẻ về ngôi vị quán quân, đội trường THPT Tân Bình gồm hai bạn Nguyễn Thế Dương và Osaki Quốc Anh không giấu được sự xúc động: “Cảm xúc của em lúc này không thể diễn tả được thành lời. Em rất cảm ơn thầy cô, bố mẹ và bạn bè, những người đã cho em nguồn động viên quý báu. Em sẽ tiếp tục trau dồi hơn nữa bằng những dự định theo học ngành Công nghệ Thông tin trong tương lai”.
Bora